Có đề án riêng cho ngân hàng

Theo trao đổi của một chuyên gia tư vấn tài chính thuộc nhóm Big 4 với phóng viên TBTCVN cách đây ít lâu, ngân hàng chính là nhóm đối tượng có thái độ khá tích cực trong công tác chuẩn bị chuyển đổi IFRS.

Ngân hàng chuyển đổi IFRS, cơ hội lớn nhưng gian nan cũng nhiều

Tuy nhiên, lộ trình áp dụng IFRS mới chỉ có chuyển đổi chung cho khối doanh nghiệp. Do đó, mối quan tâm của các ngân hàng thương mại là liệu Ngân hàng Nhà nước sẽ có lộ trình riêng cho việc chuyển đổi IFRS cho khối ngân hàng hay không và có các khác biệt so với lộ trình chung như các doanh nghiệp khác hay không.

Mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đã lập đề án nghiên cứu triển khai IFRS riêng cho ngân hàng. Trong đó, xác định việc triển khai IFRS trong hệ thống ngân hàng cũng sẽ có 2 giai đoạn: Giai đoạn trước mắt sẽ có các tổ chức tín dụng tự nguyện, tiếp đến sẽ là giai đoạn bắt buộc các tổ chức tín dụng triển khai.

Dựa trên đặc thù tài chính của lĩnh vực ngân hàng cho thấy, một trong nội dung quan trọng của báo cáo tài chính quốc tế đối với ngân hàng là IFRS cho ngân hàng (IFRS 9) đưa ra mô hình tổn thất tín dụng dự kiến (Expected Credit Loss – ECL).

Theo đó, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản tổn thất trong tương lai, ngược với thực tiễn hiện hành là chỉ trích lập dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh. Điều này sẽ cho phép các ngân hàng Việt Nam quản lý rủi ro tốt hơn, phù hợp với các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu. Đặc biệt, IFRS 9 mang lại những lợi ích lớn cho các tổ chức tài chính như tăng khả năng so sánh, gia tăng chất lượng thông tin công bố.

Không ít khó khăn phải đối mặt khi chuyển đổi sang IFRS

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong quá trình hội nhập, các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế là điều không thể thiếu nhằm đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong quản trị nội bộ và giao dịch với đối tác bên ngoài. Trong đó, ngân hàng là ngành đòi hỏi cao các giá trị, chuẩn mực và nguyên tắc trong vận hành kinh doanh. Một trong những chuẩn mực quan trọng mà nhiều ngân hàng đã và đang hướng tới áp dụng chính là IFRS 9 và chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel III.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Nguyễn Thụy Minh Châu – Trưởng đại diện Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) tại Việt Nam, IFRS 9 cho ngân hàng là một trong những chuẩn mực khó, phức tạp. Điều này đòi hỏi người làm nghề không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn cần phải có kiến thức về doanh nghiệp, về thị trường và hoạt động của doanh nghiệp để có thể đưa ra các ước tính, xét đoán trung thực, hợp lý trong việc ghi nhận, đo lường và trình bày, thuyết minh công cụ tài chính. Do đó, việc nghiên cứu lên kế hoạch chuẩn bị đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngay lúc này là thời điểm thích hợp nhất để có thể áp dụng thành công IFRS và đặc biệt là IFRS 9 đối với các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính tại Việt Nam.

Thực tế, trong quá trình triển khai IFRS 9, các ngân hàng cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới quá trình chuyển ngữ; nguồn nhân lực; cơ sở dữ liệu và trình độ công nghệ thông tin; nhận thức của lãnh đạo các cấp tại ngân hàng trong triển khai…

Các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai IFRS 9 có thể phân loại theo 4 mục: Tính sẵn có và chất lượng dữ liệu trong xây dựng mô hình; cam kết chất lượng dịch vụ; tính linh hoạt cao cho việc tùy chỉnh; dữ liệu kinh tế vĩ mô không nhất quán, do không có nguồn dữ liệu kinh tế vĩ mô tập trung trên thị trường nên dẫn đến sự không thống nhất trong quá trình xác định ảnh hưởng đến các biến vĩ mô…

Các ngân hàng khi áp dụng IFRS 9 đưa ra mô hình tổn thất tín dụng dự kiến, theo đó, các chuyên gia dự đoán tổn thất dự phòng sẽ tăng khi dịch chuyển từ mô hình tổn thất đã phát sinh hiện nay sang mô hình tổn thất tín dụng dự kiến. Một số thách thức khác là việc triển khai sẽ liên quan đến việc đánh giá mô hình kinh doanh và thực hiện công cụ đánh giá thanh toán thuần gốc, lãi để phân loại tài sản; thực hiện tính toán dự phòng tổn thất dựa trên khái niệm tổn thất, tín dụng dự kiến.

Ngoài ra, với mức độ phức tạp ngày càng gia tăng của mô hình tổn thất tín dụng dự kiến, ngân hàng cũng sẽ phải gia tăng mức độ truyền thông nội bộ; hợp tác giữa bộ phận quản lý rủi ro và tài chính để nâng cao khả năng triển khai IFRS 9.

Ngân hàng khi chuyển đổi IFRS sẽ mất nhiều thời gian hơn các doanh nghiệp

Với một số đặc thù riêng biệt, việc chuyển đổi IFRS của các ngân hàng sẽ phức tạp hơn và mất nhiều thời gian hơn so với các doanh nghiệp thông thường.

Trong khi đó, ngay cả doanh nghiệp thì việc chuyển cũng phải có sự chuẩn bị số liệu quá khứ đầy đủ. Cụ thể, doanh nghiệp muốn tự nguyện áp dụng IFRS từ năm 2023, sẽ cần số liệu 2021 và 2022 theo IFRS để lập báo cáo theo chuẩn mực IFRS 1 – Lần đầu áp dụng IFRS. Tương tự, các đơn vị bắt buộc áp dụng từ năm 2025 cũng phải cần số liệu so sánh 2023 và 2024.