Chuẩn bị cho việc chuyển đổi, áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) là một trong những bước quan trọng nhằm hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới của doanh nghiệp Việt Nam.

Nền tảng cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam

Áp dụng các chuẩn mực mới theo IFRS – ngôn ngữ tài chính kế toán phổ biến thế giới hiện nay – sẽ giúp các công ty Việt Nam nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thông tin tài chính, cũng như hài hòa với thông lệ quốc tế.

Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam. Đây được xem là nền móng cụ thể cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam thông qua lộ trình 3 giai đoạn, gồm: chuẩn bị, áp dụng tự nguyện và áp dụng bắt buộc.

Tại Diễn đàn IFRS: Tương lai ngành Tài chính – Kế toán Việt Nam” do KPMG Việt Nam tổ chức với sự đồng hành của ACCA Việt Nam và Báo Đầu tư bảo trợ truyền thông, các chuyên gia đều nhất trí rằng, IFRS sẽ mang lại sự minh bạch hơn về thông tin tài chính, cũng như tạo điều kiện tiếp cận thị trường quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Trịnh Đức Vinh, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ đang soạn thảo thông tư hướng dẫn việc áp dụng IFRS tại Việt Nam và chuẩn bị xuất bản bản dịch IFRS sang tiếng Việt. Trước đây, ngôn ngữ là rào cản lớn trong việc tiếp cận và phổ cập IFRS tại Việt Nam vì không phải chủ doanh nghiệp hay nhân viên ở bộ phận kế toán tài chính nào cũng có thể hiểu cặn kẽ được.

Theo ông Vinh, đây là một trong những hoạt động hỗ trợ cần thiết mà Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh thời gian tới để hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn và cơ sở giáo dục, tạo tiền đề cho IFRS dễ tiếp cận hơn. Một phần của bản dịch dự kiến được phát hành trong năm nay, phần còn lại sẽ được giới thiệu trong thời gian tới.

“Một điểm quan trọng khác mà tôi muốn nhấn mạnh là tầm quan trọng hàng đầu của đội ngũ nhân lực có trình độ cao để thúc đẩy quá trình chuyển đổi IFRS suôn sẻ hơn. Bộ Tài chính đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực để giúp các giảng viên đại học là “cánh tay nối dài của các nhà hoạch định chính sách. Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tuân thủ IFRS, nhưng đây không chỉ là việc đơn giản có thể thực hiện trong một sớm một chiều”, ông Vinh nói.

Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán và Tư vấn chuyển đổi IFRS tại KPMG Việt Nam cho biết, cần phải có các chuyên gia thông thạo IFRS trong việc chuyển đổi IFRS trên toàn quốc.

“Tăng cường giảng dạy về IFRS ngay từ giai đoạn đầu là điều cần thiết để thành công lâu dài”, ông Nghị đề xuất.

Chia sẻ vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Vân, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, các ngân hàng Việt Nam cũng nên hiểu rõ IFRS để đánh giá khách hàng doanh nghiệp trước khi thực hiện bất kỳ quyết định nào, chẳng hạn như phê duyệt các gói cho vay.

“IFRS mang lại cho các tổ chức tín dụng một tiêu chuẩn cao hơn về báo cáo tài chính minh bạch”, bà Vân nói.

Đối với ngành ngân hàng, chuẩn mực IFRS 9 là quan trọng nhất vì nó định giá lại các công cụ tài chính chiếm đến 90% tài sản của các ngân hàng. Nếu tuân thủ IFRS 9 thì các ngân hàng sẽ có điều kiện để tính toán khả năng chịu đựng được các tổn thất tín dụng trong các biến động kinh tế vĩ mô, đem lại quá trình phát triển ổn định, bền vững, lâu dài cho các ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng nào tuân thủ được IFRS 9 sẽ có khả năng tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế nhanh chóng, dễ dàng và với chi phí rẻ nhất”, bà Vân nói.

Bà Vân cũng lưu ý, sự thay đổi đáng kể nhất đối với các ngân hàng của Việt Nam là việc áp dụng mô hình tổn thất tín dụng dự kiến (ECL) khi ghi nhận dự phòng rủi ro tín dụng, nhằm thúc đẩy việc ghi nhận rủi ro tín dụng sớm hơn.

KPMG Việt Nam nhận xét rằng, giải pháp công nghệ có ảnh hưởng đáng kể đến phương thức vận hành của các ngân hàng khi áp dụng IFRS 9 trên 3 khía cạnh chính: môi trường dữ liệu, môi trường tính toán và môi trường ngôn ngữ/mô hình.

“Phần lớn các ngân hàng đã phải nâng cấp môi trường tính toán, trong đó, một số thậm chí có thể phải vận hành song song các môi trường tính toán khác nhau. Ngoài ra, các ngân hàng còn phải thực hiện các bài kiểm tra sức chịu đựng, đặc biệt là kiểm tra các kịch bản có thể xảy ra để xác định được độ nhạy của mô hình ECL”, ông Lim nhận xét.

“Trong IFRS9, mô hình ECL sẽ buộc các ngân hàng của Việt Nam phải trích lập dự phòng để bù đắp cho những tổn thất dự kiến trong tương lai đối với tất cả các khoản nợ tín dụng của họ, trái với các quy định hiện hành của địa phương. Các ngân hàng có thể gặp nhiều thách thức hơn nếu những thay đổi này được thực hiện”, ông Nguyễn Thanh Nghị của KPMG cho biết.

Trong khi đó, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt chia sẻ những khó khăn chính của ngân hàng, như nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực thông thạo IFRS 9, cũng như cơ sở dữ liệu đầy đủ và hạ tầng phù hợp. Khó khăn từ hợp tác trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh cũng khiến việc áp dụng IFRS trở nên phức tạp.

“Chúng tôi đang tiến hành chạy thử nghiệm trên cơ sở dữ liệu năm 2021 và sẽ tiếp tục thử nghiệm trên dữ liệu của năm 2022. Trong quá trình này, chúng tôi sẽ tiếp tục chờ đợi các hướng dẫn, quy định của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời sẽ cập nhật liên tục quá trình thí điểm của mình. Chúng tôi có kế hoạch chuyển đổi hoàn toàn sang IFRS vào đầu năm 2023”, ông Trung nói.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) tin rằng, việc áp dụng IFRS sẽ là bước tiến quan trọng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút sự chú ý của các quỹ ngoại hơn, cũng như góp phần giúp thị trường vốn tại Việt Nam phát triển hơn.

Thách thức trong quá trình chuyển đổi

“Sự khác biệt giữa IFRS và VAS sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp niêm yết. Hiểu biết và nhận thức của ban quản trị cũng như bộ phận kế toán cần được nâng cao hơn nữa để không chậm trễ trong quá trình chuyển đổi IFRS.

Ngôn ngữ IFRS và các hệ thống thông tin liên quan cần được tích hợp trên một nền tảng hoàn thiện để có thể giúp các nhà đầu tư nước ngoài hiểu hơn về doanh nghiệp niêm yết đó. Ngoài ra, các doanh nghiệp niêm yết cũng mong muốn hệ thống pháp luật thống nhất và đồng bộ hơn.

Các dịch vụ tư vấn toàn diện của KPMG đã hỗ trợ chúng tôi trong hành trình chuyển đổi IFRS, hướng tới tích hợp đồng bộ các doanh nghiệp trong hệ sinh thái trải dài từ Lào, Campuchia, Singapore, Australia và Việt Nam, để phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa

Mặt khác, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cảnh báo: “Khả năng sinh lời và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nặng nề khi chuyển giao sang IFRS, gây lo ngại cho các nhà đầu tư”.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn khách quan, các rào cản do đại dịch gây ra đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong áp dụng IFRS.

Ngoài ra, các khoản chi đáng kể cho phần mềm và các hệ thống liên quan để đảm bảo tuân thủ chuẩn mực kế toán mới sẽ gây áp lực lên nhiều công ty đang mong muốn chuyển đổi IFRS. Vai trò của bộ phận tài chính kế toán đã phát triển từ người ghi sổ sang người lập báo cáo tài chính và người tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp. Việc chuyển đổi có thể gây khó khăn cho những người đã quen với các tiêu chuẩn cũ của VAS”, ông Trịnh Đức Vinh nhận định.

Theo KPMG Việt Nam, việc hướng tới áp dụng IFRS sẽ không chỉ thay đổi các thông lệ kế toán của doanh nghiệp, mà còn thay đổi toàn bộ hệ thống. Cần có sự hợp tác giữa các bộ phận trước khi áp dụng IFRS, trong nỗ lực thu thập đầy đủ dữ liệu, hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) và cách làm báo cáo. Hơn nữa, các yếu tố thành công khác bao gồm việc xây dựng năng lực nội bộ, xác định lại vai trò và trách nhiệm, áp dụng đào tạo kỹ năng cho nhân viên, định hình lại cách thức hoạt động của doanh nghiệp, các hợp đồng, thỏa thuận cũng như các mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp.

Bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa – doanh nghiệp dẫn đầu thị trường mía đường Việt Nam, cũng chia sẻ về kinh nghiệm của Công ty trong hành trình chuyển đổi IFRS.

Theo đó, Công ty đang nỗ lực mở rộng ra thị trường quốc tế, trong đó ưu tiên hàng đầu là áp dụng tiếng Anh, hiểu biết thị trường nước ngoài và chuyển đổi sang IFRS, nhằm trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực mía đường không chỉ trên phạm vi toàn quốc, mà còn trên phạm vi quốc tế.

“Các dịch vụ tư vấn toàn diện của KPMG đã hỗ trợ chúng tôi trong hành trình chuyển đổi IFRS, hướng tới tích hợp đồng bộ các doanh nghiệp trong hệ sinh thái trải dài từ Lào, Campuchia, Singapore, Australia và Việt Nam, để phù hợp với các thông lệ quốc tế”, bà My cho biết.

Ông Đặng Quyết Tiến cũng nhấn mạnh, đây là giai đoạn để các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, áp dụng tự nguyện IFRS và chia sẻ về những khó khăn, thách thức gặp phải để cơ quan, ban, ngành có những động thái hỗ trợ phù hợp.

“Các tổ chức không nên đợi đến phút cuối cùng. Một dự án chuyển đổi IFRS thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố và sự tham gia của các bộ phận, các bên liên quan. Hành trình này sẽ khó có thể thành công nếu chỉ chuẩn bị trong thời gian ngắn”, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *