Chấp nhận phát sinh chi phí đầu tư cũng như sự minh bạch và có thể bị “nhòm ngó” nhưng đổi lại, những doanh nghiệp chuyển đổi chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) gặt hái quả ngọt từ các khoản đầu tư của nước ngoài, đồng thời, hiên ngang bước ra thị trường thế giới…
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp tài chính phải thực hiện tương đối nhiều giao dịch bắt buộc với các tổ chức nước ngoài. Ở đó, luôn yêu cầu khắt khe về việc áp dụng các chính sách quốc tế nên tỷ lệ áp dụng IFRS cao hơn. Trong khi đó, nhóm phi tài chính chưa có những ràng buộc nhất định, tỷ lệ áp dụng IFRS “nhỏ giọt” hơn do việc áp dụng chỉ mang tính tự nguyện, hoặc nhằm mục đích nhất quán với các công ty cùng tập đoàn, hay chỉ khi có yêu cầu từ nhà đầu tư.
Xét về tổng thể, Việt Nam là quốc gia khá chậm chân trong việc áp dụng IFRS, do các doanh nghiệp e ngại phát sinh các chi phí đầu tư, yêu cầu khắt khe về tính tuân thủ hạch toán, dự phòng tài chính, tính minh bạch…
ĐÓN ĐẦU XU THẾ DỊCH CHUYỂN DÒNG VỐN KHI ÁP DỤNG CHUẨN MỰC KẾ TOÁN QUỐC TẾ
Tuy nhiên, đã có những doanh nghiệp biết nhìn xa trông rộng, chấp nhận đánh đổi những tổn thất ngắn hạn để áp dụng IFRS. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) là một trong những doanh nghiệp phi tài chính tiên phong chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS với tham vọng chinh phục thị trường trang sức châu Á.
Tại hội thảo về chuyển đổi chuẩn mực kế toán quốc tế – IFRS, ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng phòng Tài chính, Công ty cổ phần PNJ cho hay, tham vọng của PNJ không dừng lại ở vị trí số 1 tại Việt Nam, mà công ty đang trong lộ trình tiến ra châu Á với IFRS là bước đi tất yếu.
Ông Mai Viết Hùng Trân, Phó Tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ kiểm toán và Tư vấn kế toán, PwC Việt Nam, nhìn nhậ, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, đặc biệt đại dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu đang khiến các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, tiến trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng như dịch chuyển nguồn vốn.
Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư tận dụng nguồn vốn, tìm nơi có tỷ suất sinh lời cao và tránh rủi ro về địa chính trị. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được các tập đoàn lớn trên thế giới đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực.
“Để đón đầu những dòng vốn này, đây là lúc các doanh nghiệp dồn nguồn lực tài chính chuẩn hóa hệ thống báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế, để kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng khi cơ hội gõ cửa. Bên cạnh đó, những lợi ích mà IFRS mang lại cho doanh nghiệp và cả nhà đầu tư là nâng cao tính minh bạch, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác”, ông Trân nhấn mạnh.
“Chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS” LÀ GIÁ TRỊ VÀ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CỦA CÔNG TY
Theo Bộ Tài chính, lộ trình việc áp dụng chuẩn mực IFRS tại Việt Nam theo Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 về “Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam” được thực hiện theo 3 giai đoạn và hướng tới sau năm 2025, tối thiểu tất cả các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn và một số loại hình doanh nghiệp khác theo quy định phải áp dụng IFRS.
Giai đoạn chuẩn bị: từ năm 2020-2021, Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện Đề án, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai áp dụng IFRS từ năm 2022 như công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các hướng dẫn áp dụng IFRS…
Giai đoạn áp dụng tự nguyện (từ năm 2022-2025), đối với báo cáo tài chính hợp nhất, các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực sẽ thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất, bao gồm: công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, công ty mẹ là công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết các công ty mẹ khác.
Đối với báo cáo tài chính riêng, các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính riêng.
Giai đoạn áp dụng bắt buộc (từ sau năm 2025), với một số đối tượng. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng áp dụng IFRS.
“Trong giai đoạn đầu tiên áp dụng tự nguyện, người chủ doanh nghiệp sẽ là người quyết định tối cao về việc áp dụng IFRS hay không, liệu rằng công ty có cần huy động vốn, công cụ tài chính trên thị trường quốc tế”.
Ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng, Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính.
Ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng, Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính cho hay, theo lộ trình công bố nêu trên, năm 2021, Bộ Tài chính dự kiến sẽ công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt, thông tư mang tính thể thức hướng dẫn.
Tuy nhiên, “do tình hình dịch bệnh phức tạp, cần trải qua quá trình soát xét lâu dài, chuẩn mực tài chính mang tính chất phức tạp, bản dịch chậm trễ, không đúng kế hoạch”, ông Vinh nêu thực tế. Vì vậy, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan sẽ cố gắng hoàn tất những công việc này trong năm 2022.
Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, dù nhà quản lý đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng từ phía doanh nghiệp.
“Rõ ràng khi muốn niêm yết hoặc muốn phát hành các công cụ nợ trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp phải cung cấp cho các nhà đầu tư báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS do nhà đầu tư không thể đọc được báo cáo tài chính theo chuẩn VAS”, ông Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo Trưởng phòng Tài chính PNJ, đầu tiên, để triển khai IFRS thành công, cần sự đồng thuận, hậu thuẫn, chỉ đạo quyết liệt từ ban lãnh đạo công ty.
“Hội đồng quản trị phải có tầm nhìn, thấy được giá trị của IFRS, đây không chỉ là bộ báo cáo theo chuẩn mực quốc tế mà có giá trị cao hơn, đồng bộ với chiến lược dài hạn của công ty”, ông Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh.
GÁNH NẶNG CHI PHÍ, KHÓ KHĂN VỀ NHÂN LỰC
Tuy nhiên, theo ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, hiện các doanh nghiệp đã sử dụng cũng như sẵn sàng áp dụng IFRS chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
“Đối với lĩnh vực phi tài chính, mức độ sẵn sàng thấp hơn, số lượng các doanh nghiệp triển khai cũng chưa nhiều, chủ yếu là do yêu cầu của cổ đông, nhà tài trợ hay nhu cầu gia nhập thị trường vốn quốc tế”, ông Điền cho biết.
Phân tích những “nút thắt” trong quá trình chuyển đổi, ông Điền cho biết có 3 điểm.
Thứ nhất, nhiều vướng mắc về chính sách pháp luật khi áp dụng theo quy định mới;
Thứ hai, khó khăn về nguồn nhân lực, kinh phí. Thời gian qua, do tác động tiêu cực của dịch bệnh phải cắt giảm nhân sự, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải xin “hoãn” nghĩa vụ công bố thông tin thông thường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp rơi vào “thảm cảnh” thua lỗ, chi phí cũng là một vấn đề lớn.
Thứ ba, những khó khăn do khác biệt giữa hai chuẩn mực có thể ảnh hưởng đến điều kiện chào bán theo Luật Chứng khoán, điều kiện niêm yết lần đầu, hay việc chia cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, liên quan đến quyền lợi cổ đông…
Do chi phí chuyển đổi sang IFRS không nhỏ, bà Lương Ánh Tuyết, Phó Tổng giám đốc, Dịch vụ Kiểm toán và Tư vấn kế toán, PwC Việt Nam gợi ý, ngân sách nên chia nhỏ ra từng công việc, không nên coi đây là một “gánh nặng” chi phí của công ty mà nên coi đây là một khoản đầu tư đem lại lợi ích trong tương lai.
“Về dài hạn, doanh nghiệp nào có tầm nhìn và sớm chuẩn bị nguồn lực áp dụng IFRS, khả năng tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn với chi phí thấp và khả quan hơn.
Các doanh nghiệp có thể huy động vốn từ các nhà đầu tư thông qua hình thức niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài, hoặc huy động trái phiếu nước ngoài hay trực tiếp thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) với các quỹ đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn ở nước ngoài. Đây sẽ là nguồn lực để giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững hơn trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động. Việc áp dụng IFRS sẽ tác động tích cực lên toàn bộ nền kinh tế trong dài hạn.
Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu của Chính phủ là đưa thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, nhằm thu hút vốn ngoại. Công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết một cách minh bạch, đầy đủ và theo thông lệ quốc tế, cụ thể là áp dụng IFRS là một yếu tố rất quan trọng”.
Kiến thức cần biết
Kế Toán
Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2030 phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội
Tư vấn thuế và pháp luật doanh nghiệp
Thuế là gì? Thuế doanh nghiệp phải nộp sau thành lập công ty
Kế Toán
Chế độ kế toán doanh nghiệp và những quy định trong công tác kế toán
Chuyển đổi VAS sang IFRS
Khác biệt chính giữa Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS và Chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS
Chuyển đổi VAS sang IFRS
Các giai đoạn chuyển đổi từ VAS sang IFRS
Chuyển đổi VAS sang IFRS
Những thách thức trong việc áp dụng IFRS ở Việt Nam
Chuyển đổi VAS sang IFRS
IFRS 9 – Sự lựa chọn của tương lai
Chuyển đổi VAS sang IFRS
Tất tần tật những điều cần biết về IFRS
Chuyển đổi VAS sang IFRS
Ngân hàng chuyển đổi IFRS, cơ hội lớn nhưng gian nan cũng nhiều